Trước đó, vào cuối tháng 6 âm lịch, không ít du khách chứng kiến đàn cá voi xuất hiện săn mồi ở vùng biển này. Người dân địa phương cho biết, cá voi cũng từng xuất hiện ở khu vực biển Đề Gi khi vào mùa cá cơm, cá trích gần bờ.
Ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định - cho biết Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp (CBES, trụ sở tại TP HCM) vừa có báo cáo về sự xuất hiện của đàn cá voi ở vùng biển Đề Gi trong gần một tháng qua.
Đoàn khảo sát gồm các chuyên gia, nhà khoa học của CBES đã ghi nhận một cặp mẹ con loài cá voi bryde, tên khoa học balaenoptera edeni, liên tục xuất hiện tại vùng biển Đề Gi; kích thước cá mẹ ước chừng 12 m, cá con khoảng 6 m. Loài này được liệt kê trong Phụ lục 1 của Công ước CITES - cấm buôn bán, vận chuyển quốc tế; Công ước về bảo tồn các loài di cư của động vật hoang dã CMS; thuộc bậc VU (có nguy cơ) theo Quyết định 82/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công bố Danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.
Theo CBES, việc cá voi mẹ chọn vùng biển Đề Gi để nuôi con và kiếm ăn là tín hiệu tích cực cho thấy môi trường biển gần bờ của Bình Định được cải thiện, có nhiều thức ăn. Do loài cá voi bryde có tập tính nuôi con bằng sữa hết 6 tháng, nên các cá thể mẹ thường chọn những vùng biển êm, có lượng thức ăn phong phú để nghỉ ngơi và nuôi con. Việc mẹ con cá voi xuất hiện thường xuyên ở Đề Gi phần nào cho thấy môi trường biển ở đây đáp ứng các yêu cầu của loài thú biển này.
Theo ngư dân địa phương, khoảng 10 năm trước, cá voi thường ghé lại vùng biển Đề Gi mỗi năm từ 1-2 ngày là bình thường. Tuy nhiên, sau đó, do đánh bắt cá bằng thuốc nổ diễn ra đã khiến nguồn thức ăn của các loài cá lớn cạn kiệt. Thời gian gần đây, khi nạn dùng thuốc nổ đánh bắt không còn, đàn cá voi lại xuất hiện.
Các du khách và nghệ sĩ nhiếp ảnh tới đây xem cá voi bày tỏ mong muốn môi trường biển Bình Định tiếp tục được giữ trong sạch, không ô nhiễm rác thải nhựa để mùa hè các năm sau tiếp tục đón đàn cá voi trở về.