555 danh xưng Thanh Chương: Trang sử mới - sức mạnh mới trong hội nhập và phát triển

555 danh xưng Thanh Chương: Trang sử mới - sức mạnh mới trong hội nhập và phát triển

Trần Duy Ngoãn|22:06 11/08/2024

(NADS) - Thanh Chương trước công nguyên gọi là Hàm Hoan, tiếp đó là huyện Cửu Đức, Thổ Du. Năm 1469, vua Lê Thánh Tông cho định lại bản đồ cả nước, đặt tên huyện là Thanh Chương thuộc phủ Đức Quang, thừa tuyên Nghệ An. Danh xưng Thanh Chương được xác định từ thời điểm lịch sử đó.

W_20240808_092443(1).jpg

Tính từ năm Kỷ Sửu 1469 đến nay, đúng 555 năm biết bao thăng trầm và biến thiên của lịch sử Thanh Chương đã sản sinh ra nhiều bậc anh tài, hào kiệt mà nhân cách, tài năng của họ đã góp phần tại nên những trang sử vàng của dân tộc. Con người Thanh Chương có từ hai vạn năm trước, thời văn hoá Sơn Vi. Những di chỉ khảo cổ học ở đồi Dùng (xã Thanh Đồng), đồi Rạng (xã Thanh Hưng) cho biết người nguyên thuỷ đã cư trú đông đúc ở Thanh Chương, khẳng định Thanh Chương là miền quê cổ thứ hai của Nghệ An, sau Thẩm Ồm, Quỳ Châu.

W_1.jpg
555 danh xừn Thanh Chương (1469-2024)

Từ khi Thanh Chương được gọi tên cho đến hết thời kì phong kiến, nơi đây đã sinh ra biết bao người con mà nhân cách, tài năng của họ góp phần tạc nên những trang sử vàng của quê hương, đất nước: Đó là tướng Phan Đà dũng mãnh, vô song; đó là Đỗ Bá Công Đạo, học rộng, tài cao, người có công vẽ nên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào cuối Thế kỷ 16, xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai biển đảo này. Đó là ba anh em họ Trần đánh Nam dẹp Bắc, khai cảng, khơi kênh; là Giải nguyên Hồ Sĩ Tạo, và những Tiến sĩ vinh quy bái tổ như Nguyễn Tiến Tài, Phạm Kinh Vỹ, Nguyễn Lâm Thái, họ không những có trí tuệ uyên bác mà còn có trái tim nhân hậu, yêu thương và chăm lo cho nhân dân… Đó là Trần Tấn - thủ lĩnh của phong trào chống Pháp thời Nguyễn; ông Võ Thúc Đồng, người tham gia cách mạng từ sớm, giữ nhiều trọng trách trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, nhà nước được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Đó là thầy giáo Nguyễn Sĩ Lạng và những nhà khoa bảng danh tiếng như: Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Thúc Hứa, tấm gương liêm khiết Phan Sĩ Thục; Võ Quý Huân, là một tri thức, kỹ sư người Việt đầu tiên tốt nghiệp tại Pháp ngành Đúc- Luyện kim… Dòng họ nào cũng có những bậc đại khoa, khanh tướng mà đức độ, tài năng và công lao của họ góp phần làm nên nguyên khí quốc gia.

W_3.jpg
Thanh Chương hát tiếp bài ca mới - Ảnh Trần Duy Ngoãn

Từ những năm 30 của thế kỉ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, của Bác Hồ kính yêu, nhân dân Thanh Chương đã dấy lên phong trào đấu tranh Xô Viết với khí thế “triều dâng thác đổ” chống lại tư bản, đế quốc và địa chủ phong kiến. Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược, người dân Thanh Chương viết tiếp trang sử truyền thống của quê hương, đất nước. Nhà nhà, người người đều tham gia chống giặc ngoại xâm, có biết bao anh hùng liệt sĩ vô danh, thầm lặng dâng hiến cuộc đời thanh xuân cho nền hoà bình quê hương; có biết bao bà mẹ Việt Nam can trường, hăng say việc nước, lam làm nuôi con nuôi cháu, bao lần tiễn con ra trận, Thanh Chương có hơn 400 mẹ được phong tặng danh hiệu cao quý “Mẹ Việt Nam anh hùng”.

W_14.jpg
Môi trường trong lành - Vùng quê đáng sống - Ảnh Trần Duy Ngoãn

Trải qua 555 năm với bao thăng trầm của lịch sử, cũng như những người con đất Việt, người dân Thanh Chương đã phải đương đầu với nhiều những khó khăn, thách thức, cam go đó là quy luật tất yếu. Tuy nhiên, bằng tâm trí và tài năng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, người dân Thanh Chương đồng lòng, đồng sức khắc phục khó khăn, hoá giải những thách thức, nỗ lực với nhiều quyết tâm đưa Thanh Chương phát triển lên tầm cao của công cuộc đổi mới và hội nhập. Kinh tế có bước tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021-2022- 2023 đạt trên 7,55%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 46,9 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế: nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 32,4%, công nghiệp - xây dựng chiếm 39,9%, dịch vụ chiếm 27,7%.

W_12.jpg
Chè Hạnh Lâm - Ảnh Lê Quang Dũng
W_10.jpg
Đảo chè Thanh An - Ảnh Lê  Quang Dũng
W_7.jpg
Một khúc Sông quê - Ảnh Trần Duy Ngoãn
W_6.jpg
Bãi ngô Thanh Yên - Ảnh Trần Duy Ngoãn

Chuyển dích cơ cấu kinh tế Nông – Lâm nghiệp - Thủy sản, theo hướng nông nghiệp sạch giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường, hiện trên địa bàn huyện có hàng trăm trang trại đạt tiêu chuẩn. Đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào trồng và chăm sóc nhất là các khâu tưới và thu hoạch cho cây chè, cây cam. Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn gắn với chỉ dẫn địa lý cụ thể mô hình sản xuất cây chè, cây cam theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ...Toàn huyện có 34 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 3 sản phẩm được phân hạng 4 sao, 17 sản phẩm được phân hạng 3 sao. Diện tích chè kinh doanh đến nay đạt 4.904,5 ha; sản lượng chè búp tươi đạt 63.034 tấn. Diện tích cam hiện có 506,6 ha. Công tác chăm sóc, khoanh nuôi bảo vệ rừng phát triển, tỷ lệ độ che phủ rừng 53,3%. Thông qua Chương trình “Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật gắn với thực hiện CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới” toàn huyện có 23/37 xã đạt chuẩn NTM, có 03 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

W_8.jpg
Khu du lịch sinh thái-HDT xã Thanh Thủy - Ảnh Hồ Đình Chiến

Từ một vùng quê “tứ tắc” đến nay hệ thống giao thông không ngừng được cải tạo nâng cấp, mở rộng, đáp ứng yêu cầu dân sinh kinh tế. Điện, công trình thủy lợi khép kín, hạ tầng kinh tế quan trọng trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Trên địa bàn huyện hiện có nhiều điển hình kinh tế giỏi, biết làm giàu trên chính quê hương mình, nhạy bén nắm bắt kĩ thuật hiện đại, ứng dụng cải tiến sản xuất, giải phóng sức lao động con người, làm nên những giá trị và hình ảnh người nông dân Thanh Chương làm giàu, xây dựng cuộc sống no ấm, thịnh vượng, văn minh.

W_4.jpg
Cầu Dùng - Ảnh Lê Quang Dũng

Trên bước đường đi tới, phát huy giá trị của thiên nhiên và lịch sử, trên địa bàn huyện đã nổi lên nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn đã và đang tạo nên chuỗi giá trị từ nên công nghiệp không khói, Những tên đất, tên làng, tên núi, tên sông trở thành điểm gọi đầu tư, điểm đến du lịch hấp dẫn thu hút du khách thập phương như Đảo Chè (Thanh An), khu sinh thái HDT (Thanh Thủy), Thác Liếp (Thanh Sơn)… Thanh Chương còn nổi tiếng với những đặc sản ẩm thực có tiếng, như cá Mát sông Giăng, khoai La Mạc, măng Chợ Chùa, Trám, Nhút đậm đà hương vị trung du.

W_9.jpg
Thị trấn Dùng hôm nay - Ảnh Nguyễn Quang Dũng
W_15.jpg
Điện về nông thôn mới - Ảnh Trần Duy Ngoãn

Dấu ấn lịch sử 555 năm danh xưng Thanh Chương hôm nay, là cơ hội mới để đảng bộ và dân Thanh Chương phát huy hơn nữa truyền thống quê hương, nắm bắt thời cơ, lợi thế, khai thác tiềm năng, chung sức, chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh xứng đáng với mảnh đất mà các bậc tiền bối, cha ông bao đời đã tạo dựng. Kỳ vọng, chặng đường tiếp theo Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thanh Chương sẽ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ lần thứ 31 đã đề ra, tô thắm trang lịch sử vẻ vang vì sự phát triển của quê hương. Các thể hệ con cháu Thanh Chương hôm nay và mai sau tiếp tục viết tiếp trang sử mới hào hùng vì sự trường tồn của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, Thanh Chương hôm nay đã và đang viết tiếp bài ca mới, sức mạnh mới trong tiến trình hội nhập và phát triển./.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
555 danh xưng Thanh Chương: Trang sử mới - sức mạnh mới trong hội nhập và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO