Một thời đáng nhớ

17:19 28/11/2018

NADSO - Việc cử tôi, Ủy viên BCH khóa 3, Ủy viên Ban biên tập Báo Ảnh Việt Nam tăng cường cho Hội NSNA Việt Nam năm 1998 diễn ra rất thuận lợi, một phần do anh Lê Phức Tổng biên tập Báo Ảnh lại là Phó Chủ tịch Hội, Ủy viên Ban thường Vụ Hội NSNA Việt Nam hỏi thẳng tôi: “Hội muốn ra Tạp chí hàng tháng cậu làm được không? Xa Báo Ảnh là buồn lắm đấy”. Tôi trả lời: “làm báo ra hàng tháng là “nghề” của anh em mình. Còn từ nhà 79 Lý Thường Kiệt đến 51 Trần Hưng Đạo thì mấy tí. Em đồng ý”.
Phải có quyết tâm lắm mới chấp nhận và thực hiện yêu cầu ra báo hàng tháng trong thời điểm Tạp chí hầu như không có kinh phí riêng, điều kiện làm việc như số không: Không tài khoản riêng, không thiết bị, không xe riêng, không quản lý dấu….Các anh, chị Trần Đương, Chu Thu Hảo, Đinh Mạnh Thanh, Đào Thanh Nhã rồi sau là Bùi Hỏa Tiễn ngày ngày cặm cụi ở tầng hầm ngôi nhà chính 51 Trần Hưng Đạo với đồng lương ba cọc ba đồng. Kinh nghiệm hơn 25 năm làm Báo Ảnh Việt Nam đã cuốn chúng tôi vào công việc. Và chỉ vài tháng sau tờ tạp chí Nhiếp ảnh đã “cháy” đều, mỗi tháng ra một số cho đến năm 2005 tôi được phân công lo các việc chung khác của ngành nhưng Tạp chí vẫn duy trì đều đặn mỗi tháng 1 số cho đến nay.

Hội càng phát triển về số lượng Hội viên, hình thức và các mối quan hệ khác, hoạt động đối ngoại càng mở rộng thì yêu cầu thông tin càng nhiều, nguồn “đầu vào” không thiếu nếu những người làm Tạp chí chịu khó đi, gặp gỡ anh em săn lùng là có. Dù có sự cộng tác của nhiều Hội viên, của bạn đọc nhưng việc chọn đề tài, cân nhắc liều lượng “đầu ra” mới đáng quan tâm? Để Tạp chí thật sự là của chung và của nhiều bạn đọc thì phải có nhiều chuyên mục, phải dễ đọc, dễ xem, phải ổn định về số trang, nơi xuất hiện và cần người lo biên soạn, chọn nhân vật thể hiện phải rất cụ thể.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp và NSNA Vũ Huyến tại Liên Xô

Vốn quen cách làm của Báo ảnh khi tôi là Thư ký tòa soạn báo tiếng Việt. Tạp chí phải lập ra chủ đề cho cả 12 số của năm, đề tài và nội dung cụ thể, chi tiết cho các trang của từng tháng, phân công cụ thể trong tòa soạn ai lo bài báo nào, ai sưu tầm hoặc trực tiếp đi chụp gì, ở đâu, khi nào…? Anh Trần Đương lo phần biên tập chữ nghĩa, chị Hảo, chị Nhã và anh Thanh vừa viết bài, chụp ảnh vừa lo khâu theo dõi nhà in. Thực tế là ai cũng biết việc của người khác nên việc rất chạy. Ngoài phần tin hoạt động của Hội, chúng tôi biên soạn sẵn 1 hoặc 2 số dự trữ, trình bày biên tập hoàn chỉnh. Vì thế, lúc nào cũng không vội vã. Hai năm đầu là phó TBT và sau này là TBT tôi vẫn luôn tranh thủ ý kiến thường xuyên của anh Chu Chí Thành, sau là anh Lê Phức vì đó là các đồng chí phụ trách chung của Hội.


NSNA Vũ Huyến giới thiệu với Đại tướng và phu nhân những tờ báo nước ngoài đưa tin về cuộc chiến tranh Việt Nam
Đọc báo ngày, các tạp chí vào buổi sáng là thói quen của Đại tướng Võ nguyên Giáp những lúc xa nhà
(Ảnh chụp tại biệt thự Lênin -  Mạc Tư Khoa - nơi dành cho các Nguyên thủ quốc gia, các thượng khách của Nhà nước)

Vừa lo Tạp chí, vừa lo “nuôi quân” do kinh phí Hội rất thiếu thốn. Phát huy kinh nghiệm ở Báo Ảnh Việt Nam, tôi mở quan hệ với các ngành Văn học nghệ thuật, các đơn vị Hành chính, Kinh tế khác. Vì vậy, càng bận càng thấy vui. Nhớ mãi dịp 4 anh em: Vũ Huyến, Bùi Hỏa Tiễn, Mạnh Thanh và Chu Thu Hảo  đem “cả tòa soạn” lên đường để vừa làm báo vừa “đánh quả”. Chúng tôi đi tàu hỏa vào Quảng Bình rồi thuê 2 xe máy Tàu, đèo nhau đi Vĩnh Linh làm sách ảnh truyền thống cho huyện .Về Hà Nội, mấy anh em ngày đêm xúm vào lo biên soạn, lo in rồi đi tàu hỏa vào trả hàng, nhận tiền. Nhờ các chuyến “đánh quả” như vậy, Tạp chí dù không có tài khoản riêng, con dấu riêng vẫn góp phần giảm chi tiêu cho Hội. Năm 2004, được sự đồng ý của Thường vụ, tôi dùng kinh phí tòa soạn tổ chức được chuyến đi Thái Lan cho cả văn phòng (tôi và anh Tuấn Hùng ở Hà Nội trực ở cơ quan).


NSNA Vũ Huyến cùng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc gặp gỡ văn nghệ sĩ tiêu biểu

Thời gian tôi làm TBT, Hội và Tạp chí có quan hệ rất tốt với nhiều cơ quan Trung ương, với Hãng phim Fuji. Tạp chí đã phối hợp với hãng này tổ chức cuộc thi ảnh/ tháng. Đặc biệt, Tạp chí có quan hệ thân thiết như “anh em một nhà’ với nhà máy in TTXVN. Anh Chu Chí Thành thời gian đó là Phó chủ tịch Hội, vừa là Giám đốc nhà in nên việc Tạp chí ra báo những năm đó rất trôi chảy và hết sức tiết kiệm. Tòa soạn, tôi và những người làm Tạp chí giai đoạn ấy không bao giờ quên sự ủng hộ lớn lao của nhiều Hội viên, các đồng chí, các bạn cộng tác xa gần.

Vũ Huyến
(Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống giai đoạn 2000 - 2005)

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Một thời đáng nhớ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO