NADSO - Tây Nguyên là vùng đất đầy nắng gió. Đây cũng là vùng đất với các sắc thái văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, được biểu hiện qua kho tàng văn học truyền miệng, qua nghệ thuật cồng chiêng, qua các lễ hội của các dân tộc Tây Nguyên. Những nét văn hóa nơi đây được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác và trường tồn cùng thời gian.
Những ngày cuối đông, khi vạt nắng vàng trải dài khắp núi rừng Tây Nguyên cũng là thời điểm mùa hoa cà phê bắt đầu nở rộ, báo hiệu mùa xuân đang về trên các buôn làng Tây Nguyên. Trên mảnh đất bazan màu mỡ này có nhiều dân tộc anh em như: Gia Rai, Bana, Ê đê, M’nông, Cơ Ho, Mạ, Nùng, Xơ Đăng, Tày, Thái, Mường, Dao, Gié Triêng, Hoa, Chu ru, Brâu, Rơ Măm, Hrê, Kinh cùng sinh sống chan hòa bên nhau. Và “Tháng ba rừng Tây Nguyên hoa thắm đỏ/Làng buôn vang tiếng chiêng múa hát...” (Tháng Ba Tây Nguyên - của Văn Thắng phổ thơ Thân Như Thơ) cũng là nơi bắt đầu cho những lễ hội trong một năm mới trên vùng đất đỏ bazan.
Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên
Văn hóa của các tộc người Tây Nguyên rất phong phú và đa dạng. Phổ biến nhất là các tập quán uống rượu cần, tục cà răng, căng tai, nhuộm răng đen và ăn trầu. Người đồng bào Tây Nguyên có thể ca hát, gõ chiêng, trống bên áo quan trong đám ma chay suốt ngày đêm. Sau khi hạ huyệt, họ dùng cây, que và lá cây trải kín miệng hố rồi mới lấp đất lên trên. Qua 7 ngày hoặc một tháng, gia chủ làm lễ đoạn tang. Các lễ hội Đâm trâu, Tết mừng lúa mới, lễ Cơm mới thường diễn ra vào những ngày nông nhàn, mọi người được nghỉ ngơi... Ngày nay, vào những dịp lễ, ngày Tết, các lễ hội được người đồng bào Tây Nguyên giữ gìn, phát huy nhưng cùng dần bỏ đi những tập tục lạc hậu.
Uống rượu cần
Ngày xuân, bên chén rượu cần, các chế thế Già làng, Trưởng bản của các dân tộc Tây Nguyên quây quần bên bếp lửa, kể cho con cháu của họ nghe về những nét văn hóa của dân tộc mình. Và một trong những nét văn hóa đặc sắc nhất ở Tây Nguyên đó là Văn hóa cồng chiêng. Điểm đánh dấu của Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là vào ngày 15-11-2005, UNESCO công nhận “Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”.
Văn hóa của các dân tộc ở Tây Nguyên được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác
Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên bao trùm 5 tỉnh gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Cồng chiêng Tây Nguyên là nơi chứa đựng những giá trị kiệt tác của nhân loại. Không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt ở sự đa dạng độc đáo kỹ thuật diễn tấu, cồng chiêng Tây Nguyên còn là biểu tượng cho sự tổng hoà các giá trị văn hóa đa dạng như: Giá trị biểu thị đặc trưng và bản sắc văn hóa vùng; Biểu thị đặc trưng văn hóa tộc người hoặc nhóm tộc người. Cồng chiêng Tây Nguyên cùng có giá trị phản ánh đa chiều, tính nghệ thuật, cách sử dụng đa dạng. Tiếng cồng, tiếng chiêng còn biểu thị sự giàu sang và quyền uy, gắn kết cộng đồng và giá trị lịch sử...

Cồng chiêng đại diện cho văn hoá Tây Nguyên và được sử dụng trong nhiều nghi lễ, tín ngưỡng quan trọng. Cồng chiêng được xem là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với thần thánh và thế giới siêu nhiên. Từ khi sinh ra, trong lễ hội “thổi tai”, tiếng chiêng đem đến cho đứa bé những tín hiệu đầu tiên của văn hoá dân tộc. Khi trưởng thành, chiêng còn sử dụng khi làm đám cưới, làm nhà mới, làm rẫy… và cuối cùng tiếng chiêng đưa người chết ra mồ và cả khi bỏ nhà mồ.
Chiêng đem cái thiêng vào cuộc sống, khiến con người cảm thấy được sống trong một không gian thanh cao, tâm linh, huyền ảo. Tiếng cồng chiêng Tây Nguyên hoà nhịp âm vang gợi cho người nghe như thấy được cả không gian săn bắn, không gian làm rẫy, không gian lễ hội… của con người nơi đây. Không chỉ có vậy, tiếng cồng chiêng còn đem đến cho đời sống của người Tây Nguyên sự lãng mạn. Đó chính là nguồn gốc của những áng sử thi, thơ ca đi vào lòng người.
Trong kho tàng văn hoá phong phú của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, bên cạnh giá trị của âm nhạc cồng chiêng, còn phải kể đến giá trị của sử thi. Sử thi Tây Nguyên là những áng anh hùng ca. Tiêu biểu nhất của Sử thi Tây Nguyên là “khan Đam San” của người Ể đê được công bố đầu tiên từ năm 1927. Từ đó đến nay, đã phát hiện được trên 20 sử thi của các bộ tộc khác nhau. Sử thi Tây Nguyên, là một giá trị tinh thần, được đồng bào Tây Nguyên lưu giữ trong trí nhớ và được diễn xướng trong các sinh hoạt cộng đồng.
Cùng với Văn hóa cồng chiêng, Sử thi, văn hóa Tây Nguyên còn có các lễ hội truyền thống như: Lễ cúng bến nước, lễ ăn cơm mới, lễ cưới cho người trẻ, lễ mừng thọ người già, lễ bỏ mả, lễ cúng tạ ơn cha mẹ… đều trở thành những hội vui, cuốn hút sự tham gia của toàn thể cộng đồng, thậm chí các dòng tộc khác hoặc buôn lân cận. Mỗi hội lễ là một tổng thể nguyên hợp, tiêu biểu cho đời sống văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cho nền “văn minh nương rẫy”.

Từng có nhiều năm gắn bó, ghi lại nhiều hình ảnh của các Lễ hội của người dân các dân tộc đang sinh sống tại các buôn, bon, làng Tây Nguyên, NSNA Huỳnh Anh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Nghệ thuật Sông Hàn (TP. Đà Nẵng) tâm sự: “Trải qua nhiều thăng trầm, nhưng ở con người Tây Nguyên từ khi sinh ra, lớn lên và đến khi mất đi họ vẫn lưu giữ những nét văn hóa riêng của mình. Đó chính là sự sống chảy dài vô tận trong cuộc đời của họ. Dòng chảy này từ đời này qua đời khác, tạo ra những mảng màu riêng, đặc trưng riêng mà ở các vùng miền suôi không dễ gì có được.”
Lễ hội và những nét văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên
Một mùa xuân nữa lại đang về với các bản làng trên mảnh đất đỏ bazan và công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên vẫn được các thế hệ kế tục. Những dòng chảy văn hóa đậm đà bản sắc vẫn chảy dài trong mỗi con người trên mảnh đất đầy nắng gió này. Đó là tiếng cồng chiêng, những đêm hội múa hát, những lễ hội,... vẫn theo họ suốt cả cuộc đời và truyền từ đời này sang đời khác.
Bài: Trung Dũng
Ảnh: Huỳnh Anh