NADSO - Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) vừa kỷ niệm 15 năm đặt chân vào Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam). 15 năm qua, Thaco đã vượt qua một chặng đường với nhiều thử thách và đã tạo ra những điểm nhấn hết sức ấn tượng. Kết quả đó đã tạo đà bứt phá cho Thaco - Quảng Nam nói riêng cũng như ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nói chung trong những năm tiếp theo.
Những chặng đường gian nan
Ngày 29/4/1997, Công ty TNHH Ô tô Trường Hải (nay là Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải - THACO) được thành lập, trụ sở đặt tại KCN Biên Hòa II, tỉnh Đồng Nai. Lúc đó, Trường Hải hoạt động sửa chữa và kinh doanh xe ô tô đã qua sử dụng là chính.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Lễ khánh thành nhà máy Thaco - Mazda
Năm 2001, hưởng ứng chủ trương khuyến khích lắp ráp xe ô tô trong nước của Chính phủ, Trường Hải đã hợp tác, nhận chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Kia Motors - Hàn Quốc, xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô trên diện tích 4 hecta ở Khu Công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai, công suất 5.000 xe/năm, vốn đầu tư 70 tỷ đồng. Sản phẩm là các dòng xe tải nhẹ nhãn hiệu Kia.
Ngày 3 - 12 - 2002, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020”, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, lắp ráp ô tô với quy mô lớn. Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, Trường Hải ngưng lắp ráp xe theo hình thức CKD1 tại Đồng Nai và tiến hành khảo sát các địa phương trong nước để tìm kiếm khu vực đầu tư, mở rộng sản xuất, bắt đầu một giai đoạn phát triển mới. Cùng thời điểm đó, tỉnh Quảng Nam bắt đầu xúc tiến các hoạt động kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai.
Khu kinh tế mở Chu Lai nằm ở phía nam tỉnh Quảng Nam – địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây là khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước, được thành lập ngày 05/6/2003 (theo Quyết định 108/2003/QĐ-TTg Về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam).
Trên bán kính 3.000 km, Khu kinh tế mở Chu Lai thuộc trung tâm kinh tế năng động nhất Đông Nam Á bao gồm các nước như: Singapore, Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên... Với mục tiêu phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai thành khu kinh tế tổng hợp, lấy trọng tâm là các ngành công nghiệp, UBND tỉnh Quảng Nam tiến hành các chương trình xúc tiến kêu gọi đầu tư. Lãnh đạo tỉnh khi ấy gồm đồng chí Vũ Ngọc Hoàng – Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) gặp gỡ một số doanh nghiệp, trong đó có Công ty TNHH Ô tô Trường Hải.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Lễ công bố điều chỉnh Quy hoạch khu kinh tế mở Chu Lai và kỷ niệm 15 năm Thaco - Chu Lai.
Nhận thấy tiềm năng của Khu KTM Chu Lai và với mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Ban lãnh đạo Công ty Ô tô Trường Hải đã quyết định chọn vùng đất nắng, gió, khắc nghiệt này để đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô. Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương (khi đó là Giám đốc công ty) đã lập các đoàn khảo sát đến Chu Lai và lên phương án đầu tư, bắt đầu hành trình hiện thực hóa ước mơ xây dựng giữa vùng cát bạc màu, nghèo khó một Khu liên hợp sản xuất và lắp ráp ô tô lớn nhất Việt Nam. Tuy xác định đầu tư vào Quảng Nam gặp nhiều gian khó nhưng Thaco vẫn tràn đầy quyết tâm. Ngày 25/11/2002 Trường Hải đã được cấp phép đầu tư vào Chu Lai.
Năm 2003, tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai và Thaco khởi công xây dựng nhà máy xe tải, bus. Song song đó, Thaco đã thành lập trung tâm đào tạo và công ty vận tải biển với tàu container có trọng tải phù hợp để giải quyết 2 điểm nghẽn lớn của Quảng Nam thời bấy giờ là nhân lực và logistic.
Cuối năm 2004 và năm 2005, những chiếc xe tải, bus đầu tiên được lắp ráp tại Chu Lai và Thaco trở thành Công ty tư nhân Việt Nam đầu tiên sản xuất và lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Năm 2007, Thaco đưa nhà máy sản xuất lắp ráp xe du lịch Thaco - Kia có công suất 30.000 xe/năm với diện tích 20 ha vào hoạt động được chuyển giao công nghệ từ Tập đoàn Kia Motors - Hàn quốc và Thaco đã trở thành công ty đầu tiên tại Việt Nam lắp ráp đầy đủ các chủng loại xe như tải, bus và du lịch…
Đột phá mang tính tiên phong
Năm 2010, Thaco bước vào chu kỳ đầu tư lớn thứ 2 tại Chu Lai với các dự án chủ lực, như nhà máy xe Bus chuyên biệt với diện tích 14,3 ha và công suất 5.000 xe/năm để sản xuất lắp ráp dòng xe Bus mang thương hiệu Thaco. Tiếp đó là nhà máy sản xuất, lắp ráp dòng xe du lịch Mazda công suất 10.000 xe/năm với diện tích 7,5 ha được chuyển giao công nghệ từ tập đoàn Mazda - Nhật Bản.
Thời điểm này, Tổ hợp Cơ khí từ sản xuất vật liệu thép, gia công, chế tạo các chi tiết phụ tùng cơ khí đến nhiệt luyện các chi tiết phụ tùng cơ khí và chế tạo khuôn mẫu công suất 300.000 sản phẩm/ năm với diện tích 19 ha cũng ra đời.
Ngoài ra, Thaco đầu tư cụm các nhà máy công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô trên diện tích 85 ha. Qua đó, Thaco đã làm chủ công nghệ gia tăng hàm lượng nội địa hóa cho các dòng xe du lịch đạt 17 đến 22%, xe tải từ 35 - 40% và xe bus trên 60%.
Thaco đưa công nghệ cao - robot ứng dụng vào sản xuất
Trường Cao đẳng nghề Thaco mở ra được xem là trường đầu tiên do doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực sản xuất trong cả nước. Học viên được miễn 100% học phí, phí sinh hoạt và ra trường được bố trí làm việc. 8 năm qua, đã đào tạo được hơn 4.000 kỹ thuật viên trung cấp và kỹ sư thực hành.
Điểm nhấn đáng nhớ là Cảng Chu Lai có công suất 3 triệu tấn/năm, cầu cảng dài 500 m tiếp nhận được tàu có trọng tải 20 ngàn tấn (trước đó tỉnh đã 2 lần giao cho các nhà đầu tư khác nhưng không triển khai). Đây cũng là cảng sông có quy mô lớn duy nhất tại miền Trung do công ty tư nhân đầu tiên trên cả nước đầu tư thời bấy giờ, được định hướng là cảng container lớn nhất miền Trung. Đồng thời, mở các tuyến hàng hải quốc tế đến các cảng biển lớn ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Từ năm 2015, Thaco đã xây dựng chiến lược để hội nhập khu vực ASEAN (thuế xuất nhập khẩu xe ô tô về 0% vào năm 2018) và đón đầu xu thế thay đổi công nghệ trên tinh thần cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thaco đã bước vào chu kỳ đầu tư lớn thứ 3 tại Chu Lai với định hướng là điều chỉnh quy hoạch, mở rộng khu phức hợp cơ khí ô tô; xây dựng mới và nâng cấp toàn bộ các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, tổ hợp cơ khí, các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng theo hướng tự động hóa, ứng dụng số hóa trong quản trị điều hành, đáp ứng yêu cầu vừa sản xuất hàng loạt với quy mô lớn vừa thỏa mãn nhu cầu riêng biệt của khách hàng.
Hoa nở trên vùng đất nắng, gió
Nhà máy Thaco – Mazda đã được đưa vào hoạt động từ tháng 3/2018 có diện tích 30 ha, vốn đầu tư 12 ngàn tỷ đồng, công suất 100.000 xe/năm (giai đoạn 1: 50.000 xe/năm), với định vị là nhà máy sản xuất xe du lịch Mazda hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.
Dự án nút giao vòng xuyến 2 tầng tại Khu kinh tế mở Chu Lai do Thaco tài trợ
Nhà máy Bus Thaco trên diện tích 17 ha công suất 20.000 xe/năm có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng có dây chuyền hàn thân xe được trang bị hệ thống robot hàn tự động. Đây là nhà máy sản xuất xe bus lớn nhất Đông Nam Á và có sản phẩm được xuất khẩu sang các nước Thái Lan, Philippines,…
Nhà máy ô tô du lịch cao cấp sản xuất lắp ráp các dòng xe du lịch sang từ châu Âu trong đó có thương hiệu Peugeot - Pháp có công suất 20.000 xe/năm, diện tích 7,5 ha, vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng với toàn bộ dây chuyền thiết bị hiện đại và tự động hóa và đáp ứng yêu cầu về công nghệ mới của dòng xe cao cấp.
Nhà máy sản xuất xe tải mới có công suất 50.000 xe/năm, trên diện tích 11 ha với tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng, đáp ứng yêu cầu sản xuất các dòng sản phẩm xe tải cao cấp nhãn hiệu Mitsubishi Fuso - Nhật Bản và xe tải châu Âu, đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia xuất khẩu.
Thaco cũng chủ động đầu tư các nhà máy công nghiệp hỗ trợ, nhằm gia tăng thêm tỷ lệ nội địa hóa cho xe du lịch như nhà máy sản xuất linh kiện nhựa mới với công suất 160.000 sản phẩm/ năm, diện tích 3,5 ha, vốn đầu tư 600 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất linh kiện thân vỏ xe du lịch, công suất thiết kế: 100.000 bộ/năm, máy móc thiết bị được nhập khẩu 100% từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Công nghệ sản xuất được chuyển giao từ Mazda và Kia được phân kỳ đầu tư theo doanh số bán hàng tăng dần.

Lễ khánh thành Dự án nút giao thông vòng xuyến 2 tầng tại Khu kinh tế mở Chu Lai
Đến nay, sau 15 năm đầu tư tại Chu Lai, Thaco có 32 công ty, nhà máy, 1 tổ hợp cơ khí, trung tâm R&D, trường cao đẳng nghề, hệ thống logictics... được chia thành 2 khu: Khu phức hợp cơ khí và ô tô Chu Lai Trường Hải; khu cảng và hậu cần cảng Chu Lai… Đặc biệt, Chu Lai – Trường Hải đã có tên trên bản đồ sản xuất lắp ráp ô tô của các thương hiệu quốc tế như: Kia - Hàn quốc, Mazda; Mishubishi fuso - Nhật bản, Peugeot - Pháp và đang được xem là cứ điểm sản xuất ô tô lớn và hiện đại trong khu vực ASEAN.
Thaco cũng đề ra chiến lược phát triển sau 2018 là trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành trong đó lấy cơ khí và ô tô làm chủ lực. Đồng thời dựa trên nền tảng cơ khí và ô tô cùng với kinh nghiệm quản trị công nghiệp theo chuỗi giá trị khép kín từ nghiên cứu phát triển sản phẩm; sản xuất; phân phối, bán lẻ dựa trên những trụ cột cốt lõi là: Triết lý - giá trị; Chiến lược - khác biệt; Quản trị - đặc thù; Nhân sự - phù hợp; Môi trường làm việc - văn hóa & thuận tiện và kết hợp ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị, Thaco phát triển các ngành nghề sản xuất kinh doanh khác như: Nông nghiệp; Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, Đô thị và KCN; Logistics và Thương mại - Dịch vụ.
Tại Chu Lai, Thaco tiếp tục bước vào chu kỳ đầu tư lần thứ 4 với các dự án lớn và có tính động lực như đầu tư mở rộng khu phức hợp cơ khí ô tô thêm 126 ha và đổi tên thành khu công nghiệp cơ khí và ô tô Thaco - Chu Lai có tổng diện tích 335 ha đồng thời triển khai xây dựng ngay các công trình như: Trung tâm R&D tập trung có tổng diện tích 38.6 ha và tổng vốn đầu tư lên đến 800 tỷ đồng với đầy đủ các phần mềm thiết kế Catia V6, mô phỏng Hyperwork, tính toán động lực học AVL và các máy móc thiết bị thử nghiệm cùng với đường thử lòng chảo và đầy đủ các loại đường địa hình dài 8 km; Các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa đặc biệt cho xe con đạt trên 40% hướng đến xuất khẩu; phát triển thêm cơ khí nông nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí thiết bị công nghiệp.
Thaco đề ra chiến lược trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành trong đó lấy cơ khí và ô tô làm chủ lực. (Trong ảnh: Cảng Chu Lai - Trường Hải thuộc Khu KTM Chu Lai)
Đầu tư khu công nghiệp chuyên nông lâm nghiệp mà chủ lực là trái cây và đồ gổ xuất khẩu có diện tích 451 ha có tổng vốn đầu tư khoảng 13.800 tỷ đồng; bến cảng nước sâu chiều dài 350 m có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 50.000 tấn, tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng; khu đô thị và nhà ở công nhân Chu Lai nhằm phát triển hạ tầng xã hội với các tiện ích như nhà ở cho công nhân và chuyên gia, nhà trẻ, trường học, trung tâm thương mại…
Trên nền tảng và thành quả có được cùng với kinh nghiệm và tính kế thừa, Thaco - Chu Lai sẽ là Khu công nghiệp - đô thị bao gồm: Khu công nghiệp cơ khí và ô tô; khu công nghiệp chuyên nông lâm nghiệp; khu cảng và hậu cần cảng ; khu đô thị - nhà ở cho chuyên gia và công nhân, góp phần phát triển khu kinh tế mở Chu Lai trở thành khu kinh tế lớn nhất miền Trung, hàng đầu trong cả nước, mang tầm khu vực và quốc tế.
Trung Dũng - Huỳnh Anh