Những câu chuyện bằng ảnh

11:27 17/04/2019

NADSO - Sáng 17/4/2019, tại AGOHUB, số 12, Hòa Mã, Hà Nội đã diễn ra cuộc trưng bày "Những câu chuyện bằng ảnh" của Nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh, NSNA Vũ Huyến - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh; Nhà báo, NSNA Phạm Tiến Dũng - Nguyên Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo ảnh Việt Nam, Trưởng Ban Biên tập ảnh TTXVN, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh; Nhà báo Nguyễn Phong Doanh - Nguyên Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong và Báo Hoa học trò; Nhà báo, Nhà văn Nguyễn Như Phong - Nguyên Tổng Biên tập Báo Năng lượngmới .

Tham dự buổi lễ có đồng chí Lê Doãn Hợp - Nguyên Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống và anh em bạn bè, thân thiết cùng đam mê môn nghệ thuật Nhiếp ảnh.



Đồng chí Lê Doãn Hợp cùng các NSNA tại buổi trưng bày "Những câu chuyện về ảnh"

Cuộc trưng bày “Những câu chuyện bằng ảnh” gồm những bức ảnh được ghi lại bằng niềm đam mê chụp ảnh, chơi ảnh và cả đi ngắm ảnh - được coi là một thú chơi tao nhã... Trẻ thì đam mê đi chụp, tìm tòi, khám phá những bí ẩn của ánh sáng, tìm ra những góc mới, bố cục mới, tìm ra những nét mới trong mỗi gốc cây, ngọn cỏ, trong mỗi gương mặt, ánh mắt, nụ cười… Tóm lại là cái gì đã lọt vào ống kính của họ thì bỗng trở nên có hồn, có duyên. Trẻ đã mê thì già khó bỏ. Và ống kính của người già cũng lại vẫn có nét mà khi trẻ chưa chắc đã nghĩ tới, hoặc nghĩ chưa ra… đó là sự hoài niệm, là mong muốn níu kéo lại thời gian đang chạy nhanh như kim giây đồng hồ.

Cuộc trưng bày ảnh của 4 nhà báo, từng là Tổng Biên tập một số tờ báo, nay đã “rửa tay gác kiếm”, chính là thể hiện của cái “chất” lãng mạn đó. Công ty Truyền thông Năng lượng Việt và Công ty AGOHUB rất vinh dự và có phần may mắn vì được giao trọng trách tổ chức cuộc trưng bày ảnh với chủ đề “Những câu chuyện bằng ảnh” của các nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn là: Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Vũ Huyến; Nhà báo Phạm Tiến Dũng, Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh; Nhà báo Nguyễn Phong Doanh, Nguyên Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong và Hoa học trò và nhà văn, nhà báo chuyên viết phóng sự Nguyễn Như Phong.

NSNA Vũ Huyến là nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, được phong tặng là Nghệ sĩ Nhiếp ảnh có cống hiến xuất sắc. Ông đã được nhiều giải thưởng lớn về nhiếp ảnh như Giải thưởng ảnh báo chí OIJ (các nước xã hội chủ nghĩa); Giải thưởng ảnh xuất sắc các nước châu Á - Thái Bình Dương; Giải thưởng xuất sắc về sách của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA). Ông là một nhà báo đa năng: Viết báo, chụp ảnh báo chí và nghệ thuật, người biên tập sách và bình luận nhiếp ảnh, là giám khảo nhiều cuộc thi quốc gia, tham gia giám khảo ảnh quốc tế.
Nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh, NSNA Vũ Huyến

Ông tốt nghiệp khoa Ngữ Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội sau là thành viên tuyên truyền đối ngoại, là phóng viên thông tấn ở nước ngoài, đã từng chụp ảnh ở nhiều nơi trên thế giới. Là người chuyên chụp ảnh đời thường, chú ý khai thác tâm lý số phận những người lao động bình thường. Ông chụp theo lối tự nhiên, không bố trí, sắp đặt và đằng sau mỗi bức ảnh là những câu chuyện, sự chia sẻ và thật sự gần gũi với số phận những người lao động bình thường.

Nhà báo, NSNA Phạm Tiến Dũng gần như cả cuộc đời gắn với nhiếp ảnh. Tốt nghiệp khoa Báo chí trường ĐH Tổng hợp quốc gia Mátxcơva (LB Nga), trưởng thành từ một phóng viên ảnh của TTXVN, ông đã đảm nhiệm các chức vụ Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Ảnh Việt Nam, Trưởng ban Biên tập ảnh TTXVN, rồi Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh. Dù ở cương vị nào thì chiếc máy ảnh luôn là vật bất ly thân của ông, bởi với ông, máy ảnh là cây bút, là phương tiện để ghi lại những khoảnh khắc trong dòng chảy của cuộc sống.


Nhà báo, NSNA Phạm Tiến Dũng

Theo ông, người phóng viên ảnh là người ghi lại lịch sử bằng ống kính, bởi sự kiện dù lớn hay nhỏ, nhưng những khoảnh khắc ấy là thành phần mật thiết của lịch sử, để gìn giữ cho tương lai, do vậy nhiếp ảnh báo chí cần tính chân thực rất cao. Nhà báo Phạm Tiến Dũng đi rất nhiều và chụp rất nhiều, qua ống kính, ông kể lại những câu chuyện về những nơi mình đã đi, những người mình đã gặp, những buồn vui của cuộc đời…

Hôm nay tại cuộc trò chuyện bằng ảnh này, ông mang tới cho người xem những hình ảnh rất độc đáo về bộ tộc Maasai, những người sống gần như nguyên thủy trên thảo nguyên rộng lớn ở Kenya và Tanzania mà ông ghi lại được trong chuyến đi thám hiểm Phi châu gần đây.

Nhà báo Nguyễn Phong Doanh rất mê chụp ảnh. Và xem ra, khi tuổi càng cao thì ông càng “nghiện chụp ảnh” hơn. Ảnh của ông giản dị, rất đời thường và ảnh của ông là phục hồi và tạo dựng ký ức. Nhà báo Phong Doanh không tạo ra những góc chụp lạ, không tạo ra một thứ ánh sáng lạ và không “dàn dựng” không gian cũng như bố cục những bức ảnh của mình. Ông nhìn thẳng vào hiện thực và lưu giữ hiện thực ấy.


Nhà báo Nguyễn Phong Doanh

Sẽ có một ngày chúng ta có thể mất đi những gì đang hiển hiện trong những bức ảnh của ông như: Con đường làng, cánh đồng, ngôi nhà của ông bà cha mẹ, khu vườn, ao đầm, những cây rơm, một mái hiên, những mâm cơm, một bữa cỗ, hình ảnh những người thân yêu ở chốn quê mộc mạc và ấm áp... Nhưng tất cả  những hình ảnh thân thuộc đó đã được Nhà báo Phong Doanh lưu giữ lại bằng các trang ảnh quý giá. Ông đã dựng lên những trang hồ sơ trung thực nhất và vô cùng xúc động về đời sống thôn quê Bắc Bộ Việt Nam thông qua chính gia đình mình.

Với một ý thức và cách diễn đạt trong những bức ảnh của mình, Nhà báo Phong Doanh đang lập ra một hồ sơ chính xác nhất về gia đình mình, làng quê mình. Và bộ hồ sơ ấy có chức năng phục hồi ký ức cho những người đã sống trong một gia đình, trong một làng quê như vậy và tạo dựng ký ức cho những thế hệ sau về một đời sống của các gia đình và làng quê Bắc Bộ mà họ chưa từng được biết.

Còn Nhà văn Nguyễn Như Phong, ông biết chụp ảnh trước khi biết viết phóng sự. Và người dạy ông chụp ảnh đầu tiên là một số nhân viên kỹ thuật hình của các đoàn làm phim “Vùng trời”, “Phía Bắc Thủ đô”… vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước. Ngoài chụp ảnh, ông còn biết tự làm buồng tối, nghĩa là pha thuốc tráng phim, phóng ảnh… Sau này, khi bước vào nghiệp viết văn, viết báo, chiếc máy ảnh cũng luôn theo sát ông như cây bút.
Nhà báo, nhà văn Nguyễn Như Phong

Trong làng báo, có lẽ ông là người may mắn bởi ông được đi rất nhiều (và ông cũng rất chịu đi). Trong kho ảnh của ông còn lưu giữ thì có lẽ ông đi không sót “xó xỉnh” nào của đất nước này, dù đó là cực Tây Bắc Tổ quốc, hay các hòn đảo thậm chí chưa có ai biết tên; Và ống kính của ông cũng đã có hình ảnh của gần 40 quốc gia mà ông đã đến, trong đó có những địa danh không mấy người đã tới như: Sa mạc Sahara, vùng cực Bắc nước Nga, vùng hoang mạc Venezuela, rừng rậm Amazon…

Ông từng tự thú là chụp ảnh không giỏi và rất xoàng về kỹ thuật. Nhưng ảnh của ông đậm chất phóng sự và chất nghệ thuật nếu có trong ảnh thì hoàn toàn là do may mắn, do tình cờ mà ống kính của ông “chộp” được. Ông hầu như không bao giờ chụp ảnh theo kiểu bố trí, dàn dựng… mà chủ yếu là nắm bắt được “cái thần” của nhân vật, cái khoảnh khắc quan trọng của sự kiện.

Trong cuộc trưng bày ảnh lần này, ông tập trung vào chủ đề về các công trình và người lao động Dầu khí - Một lĩnh vực mà ông gắn bó từ khi còn là phóng viên Báo Công an nhân dân. Vào năm 1986, ở thời điểm đó phóng viên được ra giàn khoan chỉ có vài ba người.

Bốn người “chơi ảnh” với bốn phong cách khác nhau… nên chắc chắn sẽ mang đến các bạn một cảm giác thú vị và biết đâu, sẽ khơi dậy trong bạn ít cầm máy một niềm đam mê mới.

Chỉ trong thời gian ngắn 4 NSNA đã tập hợp và chọn lọc được những bức ảnh ưng ý, có nhiều tác phẩm đẹp về nội dung, hình thức và tính thời sự. Mặc dù có những bức ảnh chụp cách đây hàng chục năm nhưng đã tạo được dấu ấn trong lòng người thưởng lãm ảnh những cảm xúc mạnh mẽ, khó quên.

"Những câu chuyện bằng ảnh" sẽ diễn ra từ ngày 17/4/2019 đến ngày 25/4/2019 tại AGOHUB 12 Hòa Mã.


Nguyễn Công Khang
Thiết kế: Thủy Đặng

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
Những câu chuyện bằng ảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO