50 năm chiến thắng Truông Bồn - Bức ảnh cuối cùng

10:34 31/10/2018

NADS - Gặp NSNA Phùng Triệu những ngày tháng Mười, chúng tôi được nghe ông kể lại câu chuyện về bức ảnh chụp Tiểu đội thép Truông Bồn, cách đây tròn 50 năm. Đây là bức ảnh cuối cùng NSNA Phùng Triệu chụp trước khi 13 cô gái Truông Bồn hy sinh ngày 31/10/1968.

Vài nét chấm phá về ông:  NSNA Phùng Triệu sinh năm 1947 tại Hải Dương, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, thành viên Ban Chủ nhiệm CLB ảnh Báo chí Hội Nhà báo Việt Nam.

 Chân dung NSNA Phùng Triệu - Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội NSNA Việt Nam, thành viên Ban Chủ nhiệm CLB ảnh Báo chí Hội Nhà báo Việt Nam.
Năm 1968, Phùng Triệu tốt nghiệp lớp Phóng viên TTXVN, là phóng viên chiến trường, thường trú tại các tỉnh miền Trung Khu 4 và các tỉnh miền Bắc biên giới Tây Bắc, Việt Bắc. Với 50 năm tuổi Đảng, hơn 50 năm viết báo và cầm máy, ông đã ghi được nhiều khoảnh khắc có tính lịch sử, một kho tàng ảnh cá nhân lớn cho đến nay.

Một thoáng hồi tưởng lại, ông kể “Tháng 2/1968, sau khi tốt nghiệp khoá 7 – Lớp đào tạo phóng viên do Việt Nam thông tấn xã ( nay là Thông tấn xã Việt Nam) phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổng cục Thông tin đào tạo, tôi được Bộ biên tập Việt Nam TTX cử vào thường trú tại tỉnh Nghệ An với nhiệm vụ là một phóng viên chiến sự”.

Hồi đó, đi cùng ông là chiếc xe đạp Thống Nhất được cơ quan phân phối và ba lô tư trang. Trong đó, vật dụng quan trọng nhất là chiếc máy ảnh nhãn hiệu Injecta chụp phin 24x36mm và một chiếc máy cũ Rolleiflex chụp phim cỡ 6x6mm cùng với 20 cuộn phim đen trắng, một bọc đựng thuốc tráng phim.

Hồi đó, người nhận quân, dẫn đường là Trưởng phân xã Nguyễn Hùng Đào và điện báo viên Nguyễn Mậu Hân. Sau 4 ngày đạp xe từ Hà Nội,  họ đã đội bom đạn mà đi. Đã vượt qua nhiều trọng điểm máy bay Mỹ bắn phá ác liệt như  cầu Hàm Rồng, cầu Khoa Trường, Hoàng Mai, Đò Lèn, cầu Bùng. Trên chuyến đi dằng dặc ấy, họ phải đi vượt qua nhiều đường xế (đường tránh), ăn uống thất thường, chân tay đau nhừ, có khi lên cơn sốt lại phải tránh bom đạn của Mỹ...có những lúc tưởng không thể sống nổi hoặc không thể vượt qua sự gian nan, vất vả và nguy hiểm dọc đường... cuối cùng họ cũng đến được phân xã ở nơi sơ tán.

Phân xã Việt Nam TTX được Tỉnh uỷ Nghệ An xếp cùng ở và sinh hoạt với ban Tuyên giáo tỉnh.  Lúc đầu đóng tại xã Thượng Sơn, rồi lại chuyển về xã Hiến Sơn (Đô Lương), một huỵên thuộc vùng bán sơn địa. Đây là thời điểm này Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc bằng không quân, đặc biệt là trên địa bàn tỉnh Nghệ An.



Toàn cảnh Khu di tích lịch sử Truông Bồn 

Xã Hiến Sơn (nơi các PV sơ tán) chỉ cách trọng điểm Truông Bồn chừng 3 km đường chim bay. Thời điểm đó, không có một ngày nào, giờ nào ngớt tiếng máy bay Mỹ gầm rú trên bầu trời xứ Nghệ , đặc biệt là nút giao thông Truông Bồn. Nơi đây được gọi là trọng điểm, là “ túi bom”, là “cửa tử” cách thị trấn Đô Lương 15km.

 Truông Bồn án ngữ  đoạn đường độc đạo dài chừng 5km trên tuyến đường 15A, tuyến đường nối từ Bắc vào Nam, là con đường huyết mạch quan trọng bậc nhất của hậu phương miền Bắc tiếp tế mọi mặt cho chiến trường miền Nam. Truông Bồn có đoạn lọt giữa hai sườn đồi, có đoạn một bên là đồi một bên là ruộng nước giống như một cửa ải rất dễ bị vùi lấp, tắc nghẽn không thể vượt qua khi bom Mỹ ném trúng. Tại đây, hầu như không có ngày nào ( suốt cả ngày lẫn đêm) ngớt tiếng bom Mỹ dội.

Ông Phùng Triệu kể rằng “tôi đã có 2 lần sang viết tin, chụp ảnh Tiểu đội 2 , được mệnh danh là “ tiểu đội thép”. Lần đầu vào tháng 5/1968 do trưởng phân xã Nguyễn Hùng Đào dẫn đi. Lần thứ 2 vào đầu tháng 8/1968 sang để lấy tài liệu tuyên truyền nhân dịp kỷ niệm lần thứ 23 cách mạng tháng 8 và quốc khánh 2/9”.

Dịp này, ông đi một mình. Lúc đó khi ông tới Truông Bồn đã thấy 14 chiến sỹ đang hối hả san lấp hố bom về phía cuối truông, nơi có sườn đồi thấp và một bên là ruộng nước hoang hoá. Ông đã chụp đến kiểu phim thứ 10 bằng chiếc máy Rolleiflex. Thấy tài liệu đã ổn, ông nói với tiểu đội trưởng Trần Thị Thông tập hợp cả tiểu đội để làm bức ảnh kỷ niệm. Tiểu đội trưởng lưỡng lự vì 2 lý do: phải nhanh chóng lấp hố bom để thông xe, hai là đảm bảo an toàn cho nhà báo. Bà nói: “Nhà báo xong nhiệm vụ rồi thì nên tránh xa trọng điểm càng nhanh càng tốt kẻo bom Mỹ nó chẳng chừa ai đâu. anh có làm sao thì chị em không gánh nổi trách nhiệm và lại có tội lớn với cha mẹ ở ngoài Bắc”.

NSNA Phùng Triệu đã về phân xã buổi tối hôm đó, ông hối hả xuống hầm chữ A tráng phim ngay. Ông vẫn cắt lại một kiểu phim trước khi gửi về cơ quan Tổng văn xã để dành in kỷ niệm cho tiểu đội 2.  Thời kỳ đó phóng viên tự ý cắt bớt phim, ảnh tài liệu là vi phạm lớn. Có thể bị kỷ luật hoặc mất “ lao động tiên tiến”.
Rồi chiến tranh, bom đạn và công việc của người phóng viên chiến sự cứ kéo ông  vào những chuyến đi liên miên, lúc lên rừng chụp xác máy bay mỹ rơi, khi xuống biển tường thuật trận đánh chìm tàu chiến Mỹ của đơn vị pháo mặt đất... ông vẫn chưa thực hiện được lời hứa và than ơi mắc nợ các chị, các anh

Ngày 31/10/1968  đã cướp đi vĩnh viễn cuộc đời của 13 chiến sỹ TNXP ở trọng điểm Truông Bồn.



Khu mộ chung và Đền thờ các Liệt sĩ Truông bồn

Chuyện kể lại rằng, hôm đó vào lúc 4 giờ sáng, tiểu đội thép nhận được lệnh của cấp trên, sẵn sàng lao ra hiện trường để san lấp những hố bom Mỹ vừa đánh phá trong đêm ở phía bắc truông. cả tiểu đội bước bào cuộc chiến đấu ( không ai nghĩ sẽ là trận cuối cùng) với một quyết tâm cao và vui vẻ như thường, quyết thông xe trước khi trời sáng. sau 2 tiếng đồng hồ lao động cật lực, các hố bom đã cơ bản được lấp xong. họ chỉ còn rải thêm đá hộc vào những chỗ đất ướt có thể làm cho xe bị trượt bánh nữa là về lán nghỉ ngơi. nhưng cũng đúng vào khoảng khắc ấy, vào lúc hơn 6 giờ đột nhiên một tốp máy bay Mỹ lao tới dội bom tới tấp vào vị trí đơn vị vừa thi công. tiểu đội trưởng Trần Thị Thông ( vai đeo súng) chỉ kịp hô “ cả tiểu đội vào hầm trú ẩn” thì một loạt bom của giặc đã rơi trúng đội hình tiểu đội.

Bức ảnh chụp Tiểu đội thép Truông Bồn cách đây tròn 50 năm là bức ảnh cuối cùng trước khi 13 cô gái Truông Bồn hy sinh, ngày 31/10/1968
Khi khói bom vừa tan, lực lượng cứu hộ của đơn vị bạn đến hiện trường thì chỉ nhìn thấy những hố bom chằng chịt và sự im lặng đến rợn người. 

Không còn có ai, may thay có người phát hiện có một nòng súng trồi lên bên cạnh hố bom, mọi người nhanh tay đào bới và kéo lên được một nữ chiến sỹ đã gần tắt thở vì ngạt. Sơ cứu rồi đưa ngay đến bệnh viện dã chiến ở gần đấy, người chiến sỹ đã được cứu sống chính là Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông.

Cách nay tròn 10 năm, nhân kỷ niệm 40 năm sự tích, huyền thoại Truông Bồn ( 2008), Đảng và Nhà nước ta đã phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho tập thể Tiểu đội 2 – Tiểu đội Thép Truông Bồn ( đại đội 317, đội TNXP 300, Nghệ An). Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông ( người duy nhất còn sống sót trong trận bom đó) và 13 liệt sỹ trong đó có 11 là nữ đều được truy tặng và trao tặng danh hiệu “ anh hùng LLVTND”.


Du khách viếng các Liệt sĩ Truông Bồn





Tượng chân dung các Liệt sĩ Truông Bồn 

NSNA Phùng Triệu nhắc nhớ “ huyền thoại Truông Bồn 27/10/2012 vừa qua, tôi lại nghĩ đến món nợ chưa trả các liệt sỹ và anh hùng TNXP Truông Bồn. tôi chợt nhớ lại là tôi đã có một tấm phim chụp về tiểu đội thép TNXP anh hùng ở Truông Bồn huyền thoại năm xưa và không biết là mình đã cất ở đâu?. Tôi quyết tâm phải tìm tòi, lục lọi, lật giở tất cả những gì thuộc về kỷ niệm trong chiến tranh, tất cả những gì tôi lưu giữ trong những năm tháng công tác tại Nghệ An. Như có sự run rủi vô hình nào đó, tôi đã tìm lại được tấm phim này nằm kẹp Trong tập thơ của cố thi sỹ Trần Hữu Thung ( tác giả bài thơ Thăm lúa) mà ông đã tặng tôi nhân một lần tôi đến thăm ông và được ông mời uống rượu năm 1969.

Tấm phim ấy ( cỡ 6x6) đã bị mốc lấm tấm và xây xước một vài chỗ nhưng làm ông mừng đến rơi nước mắt, bởi lẽ đây là một kỷ vật duy nhất của ông về tiểu đội thép anh hùng.
Trần Hải 

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Nhiếp ảnh & Đời sống
50 năm chiến thắng Truông Bồn - Bức ảnh cuối cùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO